Mười loài côn trùng nguy hiểm nhất Việt Nam

Trả lời pv, bác sỹ Phan Xuân Trung, Trung tâm Medic (TP HCM) cho biết, côn trùng có rất nhiều loại, với tính chất và mức độ độc tính khác nhau. Tùy theo việc bị loài côn trùng nào cắn mà cần có biện pháp xử lý phù hợp.

“Nếu bị những loài nguy hiểm như ong vò vẽ, bọ cạp… đốt thì nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để các bác sỹ có giải pháp chống độc và ngăn ngừa sốc phản vệ thích hợp. Đối với những loài kém nguy hiểm hơn như kiến lửa, ong mật thì chỉ cần những biện pháp sơ cứu đơn giản, uống thêm thuốc chống dị ứng, chống viêm là được”, bác sỹ Trung nhận định.

 Sau đây là một số loài côn trùng nguy hiểm ở Việt Nm, những tổn thương và biện pháp sơ cứu cần thực hiện ngay khi bị chúng đốt, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế:

1) Ong                      

- Đa phần các loài ong đều có nọc độc, tùy theo loài mà sẽ độc ít hay nhiều. Có loại gây chết người chỉ với trên 10 vết chích như ong vò vẽ, ong đất, nhưng cũng có loại không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe như ong mật

 - Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng và acetylcholine... Trong trường hợp bị ong đốt quá nặng, nạn nhân sẽ bị tím tái, sốc, trụy tim mạch..., có thể tử vong nếu không được cứu chữa tận tình.

-  Khi bị ong đốt, việc cần làm đầu tiên là khều kim chích khỏi vùng bị đốt bằng vật nhọn như mũi dao, đầu kim... Không dùng tay nặn để lấy kim, vì sẽ tạo điều kiện cho nọc độc thấm sâu hơn vào cơ thể.

Sau đó, rửa sạch vết chích bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, rồi đắp khăn lạnh hay túi chườm nước đá vào vùng bị sưng trong khoảng 15-20 phút để làm giảm đau (không đắp trực tiếp lên chỗ ong đốt).

2) Kiến lửa                    

- Vết đốt của kiến lửa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cảm giác nhói buốt dai dẳng thật sự là một điều rất kinh khủng. Nọc của một số loài kiến lửa có thể gây ra những triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, thở gấp hay sốc..., phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bị đốt.

 - Khi bị kiến lửa đốt nên làm dịu vết cắn với xà phòng và nước, rồi dùng một cục đá chườm trong khoảng 10 phút. Nếu vết cắn bị rộp thì không được chọc vỡ mà phải lấy miếng gạc đặt nhẹ lên vì nếu vết rộp vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng.

3) Sâu róm                   

- Sâu róm là ấu trùng của bướm. Chúng không đốt người, nhưng lông gai của hầu hết các loài sâu róm tiết ra chất làm ngứa rát da khi con người chạm phải.

 - Lông gai của một số loài có thể gây đau nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc, đi kèm với việc mề đay mẩn ngứa do dị ứng. Các nốt xuất huyết có thể xuất hiện trong vòng 2–3 giờ và trong nhiều ngày. Những triệu chứng khác gồm sưng hạch, nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong.

 - Khi bị sâu róm bám vào da cần cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được. Sau đó rửa sạch da bằng nước xà phòng và đắp lạnh để làm giảm sưng và giảm đau.

 - Tránh gãi nhiều lên vết ngứa vì điều này có thể làm lông và gai đâm sâu vào trong da gây triệu chứng kéo dài.

4) Bọ chét, rận, ve chó      

- Có kích thước rất nhỏ, các loài côn trùng này có thể sống trong bụi rậm hoặc trên cơ thể nhiều loài vật nuôi như chó, mèo. Những vết đốt của chúng không chỉ gây đau nhói, sưng hay dị ứng mà còn có thể gây cho người bệnh sốt mẩn đỏ. Bọ chét chuột còn là vật trung gian truyền bệnh hạch, từng gây nên dịch làm chết hàng chục triệu người ở châu Âu.

 - Khi bị các loài côn trùng này cắn, nên kéo chúng thật từ từ, hoặc dùng lửa hơ, bôi cồn, dầu để chúng tự rơi ra, tránh để hàm răng của chúng dính lại da thịt, có thể gây nhiễm trùng. Sau đó rửa chỗ bị cắn bằng xà phòng, rồi bôi cồn hoặc dầu sát trùng vào chỗ bị cắn.

 5) Nhện                         

- Các loài nhện ở Việt Nam không độc như nhiều đồng loại của chúng ở châu Phi hay Nam Mỹ. Vết đốt của nhện thường làm da phồng lên, đỏ và nhức. Đôi khi gây chóng mặt, sốt nhưng không quá nguy hiểm.

 - Khi bị nhện đốt cần rửa sạch chỗ bị đốt bằng xà phòng và chườm nước đá. Nếu cần thiết có thể uống aspirin theo chỉ định của bác sĩ.

 6) Bọ cạp           

- Bọ cạp không phải côn trùng mà là loài động vật thuộc lớp hình nhện. Ở Việt Nam có hai loài bọ cap phổ biến là bọ cạp đen và bọ cạp nâu.

-  Những vết đốt bằng ngòi chích ở đuôi của các loài bọ cạp này giống như vết ong đốt, gây sưng phồng, đỏ và đau nhức, đôi khi còn bị bầm tím. Có khi nạn nhân chỉ cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị chích nhưng liền sau đó bị chóng mặt, đổ mồ hôi chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay. Một số trường hợp hạn hữu, nọc bọ cạp có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng.

 - Trong trường hợp bị bọ cạp đốt, người bị đốt cần chườm nước đá rồi phun thuốc chống đau lên vết đốt hoặc uống thuốc giảm đau loại thành phần có paracetamol. Đối với trẻ em và người dễ có phản ứng với vết đốt, nhất là bị đốt ở mặt, cần đưa đi cấp cứu ngay để được chích thuốc giải độc.

7) Rết                           

- Rết là loài động vật thuộc lớp nhiều chân, thường sống ở những nơi tối tăm ẩm thấp như gầm giường, gầm tủ, lá khô mục... kể cả trong quần áo. Chúng có thể tiết chất độc khi cắn bằng hàm răng phía trước, làm đối tượng sưng tấy. Nọc độc của rết không gây chết người, nhưng khiến người bị cắn cực kỳ đau đớn. Những triệu chứng đi kèm là nôn mửa và sốt.

 - Khi bị rết cắn cần nặn cho nọc độc theo máu ra ngoài bớt. Sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng, chườm lạnh tại chổ giúp giảm đau và giảm sưng. Nên sử dụng thêm thuốc giảm đau và kháng viêm.

8) Muỗi                       

- Có lẽ, chẳng có ai trên đời này lại chưa từng bị muỗi đốt. Tưởng như vô hại, nhưng muỗi đốt cũng là nguyên nhân làm nhiễm trùng da, gây sốt.

 - Trong các loài muỗi, muỗi anophen có thể truyền bệnh sốt rét. Những kí sinh trùng này sống và sinh sôi trong tế bào máu của con người và gây ra những triệu chứng như buồn nôn, cúm, sốt và những cơn lạnh. Trong trường hợp nguy hiểm, căn bệnh này khiến người bệnh hôn mê rồi tử vong.

 Nên rửa những vết muỗi đốt bằng xà phòng có tính a xít hay nước giấm loãng.

9) Ruồi trâu      

-  Ruồi trâu là một loại ruồi lớn thường đốt và và hút máu gia súc. Chúng cũng không tha cho cả con người. Vết đốt của ruồi trâu gây đau nhức dai dẳng, có thể kéo dài nhiều ngày và sinh ra những biến chứng khác như sốt cao, co giật, hôn mê.

 - Khi bị ruồi trâu đốt, cách xử trí cũng như vết đốt của các loài khác là rửa bằng xà phòng và chườm đá.

10) Bọ xít                 

Ở Việt Nam, việc phát hiện ra loài bọ xít hút máu người đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

 Theo những nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới, bọ xít hút máu người có thể truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi vào cơ thể người qua những vết đốt, gây nên bệnh ngủ chaga.

 Mắc căn bệnh nguy hiểm này, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ và mất khả năng miễn dịch. Khi trở thành mãn tính, bệnh có thể gây nghẽn mạch máu dẫn đến tử vong.

 Theo ghi nhận tại Việt Nam, sau khi bị bọ xít đốt, trên da người bệnh chỉ thấy một nốt nhỏ màu đỏ, khoảng 1 - 2 mm, không sưng tấy.

 Hiện tại, những nghiên cứu về loài côn trùng này ở Việt Nam chưa đầy đủ.

Được đăng vào

Bình luận

  • avatar

    An
    Test

Viết bình luận